A poem in Vietnamese by Trương Đình Phượng
Incomplete unedited translation by Nguyễn Thị Phương Trâm
Photography: Tien Bac Dang

AN EPIC REQUIEM FOR ALL THE POSSIBLE PATHS & ALLEYWAYS
VERSE 1
1.
our time
struggling with the moments
our home turning into a sea of blood
suppressing the path
towards the desire for freedom
mothers using their hair to weave
a hammock of affliction
the cries
to the last teardrop
mourning the spent springtime
their children had to sacrifice
paid with deceit
fathers taking off the service uniform on their back
to cover up the fresh grave
burying the aspirations of their youth
through the tears light a stick of incense
for the lost faith
in a dungeon at the centre of a paradise
sketched out by rubber tires…
2.
shutting them down
to then opening them back up
these despicable horizons
those playing the roles of saints and angels
squeezing every drop of blood out of their fellow human being
stretching the truth
bearing the cross
bridging the program for future genocide
shutting them down
to then opening them back up
the infinite bitterness
jam packed sardine cans of injustice
executioners
behind each sanctified smile is a dagger

3.
the poems
emptied of tears
emptied of the hiccups and tantrum
the afternoon light
covering up meadows of broken spirits
hollowed eye starving displaced souls
deteriorating like mulch between our toes
beneath our feet
murders of crows
coming home to the millionth tombstone
whose mournful words are those
oh land and country…
4.
these are the days
like spinning silk threads, the bitterness
tightly binds our fate
caught between freedom and imprisonment
our enslaved soul
caught in a rapid of pointless dreams
our way home each day is lined with trees
on their knees
against a grey wind
streetlights spasmodically coming on
like bouts of wheezy coughs
the sidewalk quietly bleeding
our homes hid under the eaves
eaves faced down
staring at an endless silence
called fate…
BI CA : NHỮNG CON ĐƯỜNG
KHÚC 1
1.
thời đại chúng ta
dằng dặc tháng năm
quê hương hóa thành biển máu
nhấn chìm con đường
dẫn về miền khát vọng tự do
những bà mẹ lấy tóc mình
tết chiếc võng đau thương
chắt đến giọt nước mắt
sau cùng
than khóc những đứa con
đã hi sinh cho những mùa xuân
ngập tràn dối trá
những người cha cởi chiếc áo nhà binh
đắp lên nấm mồ
vùi chôn khát khao thời trẻ
rưng rưng thắp nén nhang
cho niềm tin lầm lạc
giữa ngục thất thiên đường
bánh vẽ…
2.
khép lại
chỉ để mở ra
những chân trời khốn khổ
những tên sắm vai thiên sứ
vắt máu đồng loại
điểm tô lời hứa
vác thánh giá
bắc cầu cho chương trình
diệt chủng tương lai
khép lại
chỉ để mở ra
vô hạn cay đắng
chi chít
bất công
những tên đao phủ
giấu dao găm dưới nụ cười thánh thiện
3.
.
những bài thơ
không còn đủ nước mắt
để nấc lên nỗi uất hờn
buổi chiều
miên man phủ lên những cánh đồng tâm hồn
lầm lũi những đôi mắt bòn mót khát khao
dưới chân rạ mùn
lũ quạ hoang về đậu trên triệu nấm mồ
thao thiết
lời ai điếu non sông…
4.
đó là những ngày
nỗi đắng cay như những vòng tơ
thít chặt số phận
giữa ranh giới tự do và tù hãm
chúng ta đày đọa tâm hồn
giữa dòng sông ngập tràn giấc mơ
phù phiếm
con đường mỗi ngày chúng ta đi
về
chỉ còn những hàng cây
cúi đầu trong gió xám
phố phường bật lên từng cơn hen suyễn
những vỉa hè âm thầm rỉ máu
những mái nhà úp mặt
vào vô biên câm nín
phận người…
KHÚC 2
1.
tháng tám
khuôn mặt phố phường
hằn thêm những nỗi buồn nô dịch
những mái đời cằn cỗi khát khao
lũ trẻ vô gia cư
mòn tay bòn mót miếng ăn
từ những bãi rác trương mùi
tháng tám
thù hận chăng đầy như gai thép
những đôi mắt bơ phờ sau cửa hẹp
ngơ ngẩn ngó trời chiều
đang chảy tràn sắc máu tai ương.
tiếng loa phóng thanh
ra rả suốt đêm ngày
những bản tin tuyên truyền, ru ngủ
2.
Ôi những người mang danh tuổi trẻ
chúng ta là ai
trong cõi đời này
chúng ta là ai
giữa cuộc gió mưa
chúng ta là ai giữa thế kỷ này
thế kỷ triền miên bóng tối
thế kỷ mù lòa chân lý
thế kỷ yêu ma đội áo cà sa
bán buôn thần Phật
hỡi những người mang danh tuổi trẻ
chúng ta là ai
hay chỉ là cát bụi
hay chỉ là những chiếc bóng
vật vờ sống tạm
máu non sông
mỗi ngày không ngừng chảy
mà chúng ta chỉ biết cười tươi
chôn hoài bão
trong ham muốn tầm thường
mặc bóng đêm đè lên muốn tròng mắt?
mặc muôn ngàn gánh nợ
đổ lên đầu những mầm non vừa nhú
chúng ta là ai
giữa trò chơi mất còn
nòi giống
trước bàn tay lòe loẹt màu thánh thiện
ngầm thả xuống dòng sông quê hương
thứ chất độc “ láng giềng”…
kìa em nhỏ
em đi về đâu đó
có nghe dưới mỗi bước chân
em qua
sôi sục căm hờn !
con đường em đi chiều nay
con đường em đi ngày mai
con đường em đi dài mãi
những nỗi đau
như chiếc dây thòng lỏng
lởn vởn trên mái đầu
còn nhuốm máu ngây thơ…
3.
chúng hút cạn
ngày xanh
chúng hút cạn
đêm vàng
chúng hút cạn
biển khơi
chúng hút cạn
rừng tươi
bắt tay nhau
xây lên những công trình
lửng lơ treo cái chết trên đầu
nhân dân
mỗi ban mai
trên bãi cát dài mượt mà như mái tóc tình nhân
ngày xưa
giờ chỉ còn những cồn xác cá
những con thuyền úp mặt
vào bàn tay những con sóng bị thương
lặng lẽ khóc
lặng lẽ đưa tang những năm tháng thanh bình…
khúc ca về tình yêu đất mẹ
mỗi ngày
càng bớt đi người hát
tổ quốc bốn ngàn năm
đêm dài vẫn cấu chặt bờ vai những đời cò
kiếp vạc
ngọn đèn mẹ thắp
trong túp lều bao nhiêu mùa
lắt lay hi vọng
đã hóa thành những cánh đóm
cô đơn
tìm mình suốt triền đê
bằn bặt gió giang hồ…
ai trả chúng ta về
con đường quê nồng nàn bùn đất
ôi nấm mộ tuổi thơ
nhang khói lạnh lâu rồi!
giá được khóc
một lần như đứa trẻ
rồi nhoẻn cười
khi thấy bầu vú mẹ
nhưng em thân yêu ơi
còn đâu
bãi cỏ xanh
nơi chúng ta nằm xuống
ngắm màu trời xứ sở
những buổi chiều mùa thu
biêng biếc
giờ chỉ còn sắc hoàng hôn nhức nhối
trên thành quách tâm hồn…
này em thân yêu
có phải chúng ta
chỉ là những cành củi mục
lênh đênh
giữa dòng sông đời giữa mùa bão lũ
ngậm ngùi nhìn những mái nhà
bị cuốn
trôi đi
và những tiếng khóc than
vang trong màn đêm vô tận
như tiếng những hồn ma
bất tử hàm oan?
KHÚC 3
1.
quê hương
theo một nghĩa nào đó
chỉ là nơi giam cầm những cánh chim
tranh đấu cho tự do
quê hương
theo một nghĩa nào đó
chỉ là nơi
chúng ta chăm chút cho bộ lông của mình
bóng mượt
mặc xung quanh đồng loại kêu gào
nỗi tuyệt vọng
xé nát những trái tim
như những chiếc máy xúc
hả hê vùi dập linh hồn
những mái nhà
che chắn những mảnh đời bé nhỏ..
2.
quê hương là những ngày
máu trào ra từ những hàng cây bị đốn
và lương tri dần hóa tàn tro
những con chim mất tổ
dáo dác tìm nhau dưới sắc chiều mù
người hát rong
gói lời bài ca xứ sở
bằng đôi tay trầy xước
những bước chân bơ vơ về qua lòng đêm
lay lắt những mảnh đời không chốn nương thân
3.
quê hương
là những ngày
hàng hàng thép gai chăng ngang con đường về nhà
những bài thơ kêu đòi ánh sáng
bị giẫm nát dưới bàn chân của bầy lũ bạo quyền
quê hương
ngày xuân gọi hoài tên loài cây hạnh phúc
chỉ thấy nước mắt
dật dờ trôi qua, những nhân ảnh vô hồn
hương diệt vong
nở rộ trên những viền môi hi vọng…
buổi sáng
những mái nhà không còn tĩnh mạch
lẽ phải như bầy kiến
nằm chết khô dưới góc tường cáu xỉn
tuổi trẻ chơ vơ bên dòng sông hoang tưởng
4.
quê hương
là sự chia cắt
trái tim đất mẹ thành hai nửa
những vết sẹo chẳng thể gắn hàn
cứ âm thầm nhức nhối
mỗi khi người ta hả hê
kỷ niệm ngày “ những đứa con cùng một mẹ
làm cho nhau đổ máu”
5.
quê hương
là một sân khấu lớn
và nhân dân là lũ diễn viên quần chúng
không mặc áo quần
trơ tấm lưng trần
hứng chịu đòn roi
mồm hô to khẩu hiệu
“vĩ đại thay sự khốn nạn”
quê hương
những đứa con
ngụy trang nỗi căm hờn
bằng nụ cười an phận
những tiếng kêu
buồn bã
lặng lẽ vang trong đêm
tìm tiếng lòng đồng vọng
chỉ thấy
bốn bề chất nghẹn lặng im…
!
6.
quê hương
những đôi mắt cô đơn
hơn biển khơi mùa đông
vô biên cát lạnh
tương lai
nhúm xương mùn
bay theo gió
bay một đời
bay hết vạn kiếp người
vẫn chẳng thoát khỏi bàn tay
số phận
KHÚC 4
1.
chúng ta phải viết đến bao giờ
câu chuyện
năm tháng, đời người, cát bụi
thế giới , chuồng trại, niềm tin, tội ác
trong trận chiến mất còn
giữ gìn đất mẹ
đến khi nào
những người đàn bà
bị cưỡng đoạt chức năng sinh sản
vùng lên
từ triền miên tháng ngày tăm tối
đến bao giờ
những cái đầu rỗng tuếch
thôi hồn nhiên hát vang
bài hát ngợi ca quỷ dữ
đến bao giờ
những đôi mắt
không còn
ngu ngơ xem hoài buổi diễn
vở kịch dối gian , lường gạt
với giá mỗi vé là một mạng sống ?
đến bao giờ
những kẻ mang danh nhà thơ
không còn ngồi
dưới buổi chiều sắt máu
nhai mớ chữ vô hồn
như những đứa nhóc nhai chiếc kẹo cao su
giữa vô biên bóng tối
như lũ dơi câm
ghê sợ tiếng gọi bầy!
dưới bầu trời sao
trong chiếc chuồng ẩm ướt
những con cừu gối đầu lên mùi phân và nước tiểu
mơ về đồng cỏ
và chúng ngỡ mình đang bay
trên con đường mùa đông
những hàng cây bị tước xương, da
vẫn âm thầm ấp ủ
dòng nhựa của mùa xuân trần trề mạch sống
từ hốc hang tăm tối
con kiến nhỏ kiên trì nhen ngọn lửa đợi chờ
ánh ban mai về
trên nấm mồ sự sống
còn chúng ta
như những cánh hoa tàn
rải đầy lối đi
trong nghĩa địa lãng quên
đêm đêm
thả linh hồn đớn đau
theo mùi gió
hòa lẫn tiếng khóc mình
vào tiếng dế cầm hơi…
2.
lẽ ra
chúng ta không phải khóc nhiều như thế
trên đất mẹ
những mái nhà của chúng ta
lẽ ra không bị tước đi
như con nợ bị xiết cổ
đã có quá nhiều điều luật rừng rú
được ban ra từ bàn tay bọn chúng
chúng đánh thuế
một bài ca yêu nước
chúng đánh thuế
một lời nói xẻ chia
chúng đánh thuế
cả những trái tim
chúng đánh thuế
cả những linh hồn ….
lẽ ra chúng ta
phải bước ra ánh sáng
lẽ ra chúng ta
phải ngẩng cao đầu
nhưng chúng ta
phải đeo vác trên vai
bóng tối
phải nhồi nhét vào đầu
những phỉnh lừa thổ tả…
lẽ ra
chúng ta những ông chủ bà chủ
phải được chăm sóc, nâng niu
thì chúng ta phải nai lưng
hầu hạ những tên đầy tớ
chúng ta
vĩnh viễn chỉ là những đứa trẻ nằm nôi
chờ chúng ban cho miếng ăn
như chờ sữa mẹ
chúng cấm chúng ta hỏi
chúng cấm chúng ta tranh đấu
cho ngày mai
chúng bắt chúng ta quỳ gối
chúng bắt chúng ta ngậm miệng
chúng bắt chúng ta tự móc tròng mắt
ném vào vào bụi rậm
chúng ta đang sống
hay chúng ta đã chết?
chẳng ai dám tìm câu trả lời
chúng ta
như những con chó
bị ăn đòn quá nhiều
riu ríu vẫy đuôi
chúng ta
chỉ có một con đường
duy nhất
lặng im và đợi chờ cái chết
chúng ta chỉ có một
nghĩa vụ duy nhất
rút máu mình
và những người ruột thịt
dâng lên mồm những gã lưu manh
3.
quê hương
đôi mắt Người buồn
như những nụ sương
rụng suốt canh trường
và trút hơi thở cuối cùng
trước giây phút bình minh
quê hương
Người như người đàn bà bị xua đuổi
ra khỏi căn nhà của mình
lê tấm thân tàn với chiếc bào thai
lầm lũi dọc bờ sông cay đắng
Người khắc khoải đợi chờ
một chuyến đò
giữa đêm mùa đông
nhưng chỉ có tiếng sóng tái tê dội lại
hòa nhịp tim Người tê dại
quê hương
Người
ngậm ngùi nhìn
thân thể mình bị xẻ từng phần rao bán
hai tay Người buông rũ
đón nhận cái chết từ từ
trong tiếng cười hả hê
của những đứa con…
quê hương
ai khóc Người hôm nay
và cả ngày mai
khi những đứa con của Người
chỉ biết
vùi xương cốt ông cha
xuống bùn lầy
uốn gối tôn thờ
ma quỷ ngoại bang…
đến bao giờ
những cánh tay
xé nát bùn lầy
những bàn chân
lao ra khỏi con ngõ hèn
tăm tối
và TƯƠNG LAI
như vì sao
cháy rực phía chân trời ?
(Khởi thảo cuối 2018 hoàn thành mùa thu năm 2019)
Trương Đình Phượng, the poet and writer born in 1984, currently lives in Nghệ An, Việt Nam.
Nguyễn Thị Phương Trâm, the blogger, poet, and translator, was born in 1971 in Phu Nhuan, Saigon, Vietnam. The pharmacist currently lives and works in Western Sydney, Australia.